Thursday, December 22, 2016

6 cuốn sách khiến bạn trở nên tốt đẹp hơn

Bạn có biết rằng có nhiều người tự tử trong mùa giáng sinh hơn những thời điểm khác trong năm không? Tôi hiểu, nghe có vẻ là một cách hài hước để bắt đầu một bài báo nhỉ. Nhưng mà nghiêm túc đấy, bạn nghĩ rằng đó chỉ là sự trùng hợp ư?
Lại sắp thêm một mùa giáng sinh nữa, thời điểm mà những quan niệm xã hội buộc chúng ta phải dành nhiều thời gian cho những người thân thuộc, nhưng cũng chính những người này đôi khi khiến chúng ta phát điên và cảm thấy việc này thật vô nghĩa.
Với một tinh thần ấm áp mùa giáng sinh, tôi sẽ giới thiệu cho bạn 6 cuốn sách với hi vọng sẽ giúp cho những người thân hoặc chính bản thân bạn trở nên ít đáng sợ hơn trong dịp này. Đây là những cuốn sách hay giúp gia tăng sự cảm thông và thấu hiểu cho tất cả những khiếm khuyết đáng yêu của chính bạn và những người xung quanh. Chúng cũng được xem như là những cách để tránh việc nói chuyện với gia đình nữa đấy.

Tiny Beautiful Things

(Những điều đẹp đẽ nhỏ nhặt)
Tác giả: Cheryl Strayed
Vài điều về cuốn sách: Ít ai biết rằng trước cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới và một bộ phim với kinh phí khủng về một cô gái đi khắp nơi với đôi ủng leo núi do Reese Witherspoon thủ vai, Strayed đã từng viết những lời khuyên ẩn danh trên một trang web văn học nhỏ. Những câu hỏi mà cô ấy nhận được có vẻ khá đặc trưng cho kiểu trang web này như: những cuộc chia tay, đối phó với cái chết hoặc tổn thương, bạo lực gia đình, cai nghiện v.v..
Tuy nhiên câu trả lời của Strayed lại không hề chung chung. Trước hết, chúng khá dài, thường khoảng từ 20-30 trang cho một người. Thứ hai, chúng rất dữ dội, cá tính và thẳng thừng. Strayed đã sống một cuộc sống tồi tệ nhưng bằng cách nào đó cô đã có một kết thúc khác. Thay vì đưa ra những lý thuyết có tính triết lý và những lời khẳng định ngớ ngẩn, cô ấy đã làm được điều tuyệt hơn nhiều trong “Những điều đẹp đẽ nhỏ nhặt” bằng cách kéo người đọc vào vũng bùn mà cô ấy từng trải qua sau đó truyền đi thông điệp rằng họ không hề cô độc và rồi mọi chuyện sẽ ổn.
Là một người từng trải và thường viết những bài báo hoặc emails (trực tiếp hoặc gián tiếp) để hồi đáp những vấn đề cá nhân cho mọi người, đây có thể là cuốn sách duy nhất mà tôi cho là một hình mẫu để học tập. Tôi hy vọng mình có thể làm như Strayed trong sự nghiệp viết lách của mình.
Trích dẫn đáng chú ý: “Cả tôi và bạn sẽ không bao giờ hiểu được cuộc sống mà chúng ta không lựa chọn. Chúng ta chỉ biết đến cuộc sống của chị em gái mình và thấy nó quan trọng, đẹp đẽ, chẳng hề giống cuộc sống của chúng ta. Đó là những con tàu ma mà chúng ta chưa bao giờ đặt chân lên, chỉ có thể vẫy chào từ bến cảng.”  
“Bạn không thể thuyết phục người khác yêu mình. Đó là quy luật bất biến. Sẽ chẳng ai trao cho bạn tình yêu chỉ vì bạn muốn như thế. Tình yêu chân chính đến một cách tự nhiên từ hai phía. Đừng lãng phí thời gian vào nhưng điều không đâu.”
“Không ai có thể bảo vệ bạn khỏi những đau khổ mà bạn phải gánh chịu. Khóc cũng không hết, gặm nhấm cũng không được, chạy trốn hay trả đòn đều không có tác dụng và ngay cả chữa trị cũng không phải là cách. Chúng sẽ vẫn ở đó chừng nào bạn còn tồn tại. Bạn phải sống chung với điều đó, học cách yêu chúng và vượt qua. Và khi khiến bản thân vượt lên trên tất cả, hãy chạy thật nhanh về hướng những giấc mơ đẹp đẽ và hạnh phúc nhất mà bạn có thể mơ bằng cách băng qua cây cầu xây trên lòng khao khát được bình yên của chính mình.”
Cách mà cuốn sách khiến bạn tốt đẹp hơn: có hai cách để giúp đỡ mọi người trên thế giới này: một là cho họ lời khuyên chi tiết và rõ ràng về việc họ nên làm thế nào để giải quyết vấn đề của mình và hai là bình thường hóa nỗi đau khổ của họ và nhắc họ nhớ rằng họ không đến nỗi cô độc và tuyệt vọng như họ vẫn tưởng.
Cách làm của Strayed tập trung vào cách thứ hai hơn là cách thứ nhất. Cô ấy thực sự thành thạo với cách thứ hai. Thật vậy, sách của cô ấy là một ví dụ tốt nhất mà tôi từng thấy trong các thể loại thuộc dạng: “Này, đôi khi cuộc sống này chết tiệt thật đấy nhưng đừng ngại nói về nó”.
Một món quà tuyệt vời cho: một người em họ vụng về thường bật khóc khi bạn chặt gà tây; một người bạn đã thao thao suốt hơn một thập kỷ về việc viết một vở kịch nhưng vẫn đang loay hoay với phần cốt truyện; một thành viên trong gia đình từ bỏ việc chơi thể thao và vẫn luôn cảm thấy đáng tiếc; một nạn nhân bị lạm dụng.

Between the World and Me (Giữa tôi và thế giới)

Tác giả: Ta-Nehisi Coates
Vài điều về cuốn sách: Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh cuốn sách này. Nó xoay quanh vấn đề phân biệt chủng tộc tại Mĩ, nên tất nhiên là những đánh giá về nó bị ảnh hưởng bởi chính trị. Nó cũng giành giải National Book, thu hút được nguồn tài trợ Coates the MacArthur Fellowship (còn được gọi là “The Genius Grant”), giải Nobel văn học đã gọi đó là “mọi người cần đọc” và tờ New York Times, Washington Post và Chicago Tribune đều hô hào rằng đó là cuốn sách hay nhất năm 2015 – do đó, bạn có thể tưởng tượng được nó thu hút biết bao lời chỉ trích xoi mói tựa như cột thu lôi vậy.
Đầu tiên, hãy nhìn vào một thực tế hiển nhiên và quan trọng nhất đó là: Ta-Nehisi Coates là người da đen. Ông ta còn thường xuyên viết bài cho tờ The Atlantic và trở nên nổi tiếng không phải chỉ bởi vì phong cách văn học mạnh mẽ mà còn bởi những ý kiến cấp tiến và độc đáo về lịch sử và chủng tộc ở Mĩ.
“Giữa tôi và thế giới” tương đối ngắn, 163 trang. Đó là một lá thư mở mà Coates gửi cho đứa con trai 13 tuổi. Khi đọc được tin tức George Zimmerman đã được tha bổng sau khi bắn chết Trayvon Martin, một thiếu niên da đen ngay giữa ban ngày, Coates thấy đứa con trai của mình vào phòng, khóa cửa và bật khóc một mình, cậu bé lúc này đã đủ lớn để hiểu những bất công về chủng tộc. Coates đứng bên ngoài căn phòng của con trai, muốn nói điều gì đó để xoa dịu cậu bé nhưng ông ta nhận ra mình chẳng thể nói được lời nào bởi vì chẳng có lí do hợp lý nào để cảm thấy tốt hơn về điều đó cả. Thay vào đó, ông ấy đã ngồi xuống và viết cuốn sách này.   
Cuốn sách vừa như một cuốn hồi ký của Coates về những hồi ức liên quan đến phân biệt chủng tộc, văn hóa của người da đen và thời gian ông sống trong khu ổ chuột ở Baltimore, vừa thể hiện những luận điểm chính trị về lịch sử chủng tộc ở Mĩ. Xuyên suốt trong tác phẩm của mình, Coates đã kết hợp những ý tưởng của những nhà trí thức da màu như James Baldwin, Malcom X và Martin Luther King Jr và rất nhiều những trải nghiệm về bạo lực, thất vọng và định kiến mà chính ông đã trải qua trong đời. Nó mang tính chính trị nhưng cũng đậm chất cá nhân. Nó là một lá thư không chỉ gửi cho con trai của Coates mà còn cho tất cả người da đen và thậm chí là toàn nước Mĩ nhằm thể hiện những góc nhìn chân thật nhất về vấn đề này. 
Cuốn sách cũng rất đặc biệt về mặt văn phong. Coates rất có tài trong việc biến những bất công mà ông đã phải chịu đựng trở nên gay gắt hơn trên những trang viết. Có lúc là nỗi khiếp sợ và lo lắng của người cha da đen đối với sự an toàn của con trai mình, có lúc đó lại là một cuộc tranh luận chặt chẽ về chính trị. Nó không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là sự phê phán triệt để và độc đáo về sự bất công đã bám rễ trong lòng xã hội Mĩ. Cuốn sách này thật sự khác biệt trong tất cả những cuốn mà tôi đã đọc.
Trích dẫn đáng chú ý:       
“Chủng tộc là kết quả của sự phân biệt chứ không phải là nguyên nhân. Việc đặt tên người dân không bao giờ dựa trên phả hệ, diện mạo hay là một phần của hệ thống phân chia cấp bậc. Sự khác biệt về diện mạo hay màu tóc đã trở nên xưa cũ nhưng niềm tin vào sự ưu việt của của những yếu tố này, quan điểm cho rằng chúng có thể phân hóa xã hội và đại biểu cho những thuộc tính sâu xa hơn thì vẫn chưa bị xóa nhòa. Đây chính là những ý tưởng mới trong tâm trí của những con người mới, những người được nuôi dưỡng một cách vô vọng, đáng buồn và giả dối nên mới tin rằng họ là người da trắng”
“Sự thù ghét mang đến nhân dạng. Những từ “the nigger, the fag, the bitch” phác họa sự phân cách, phác họa vẻ bề ngoài không thuộc về chúng tôi, phác họa giấc mơ được làm người da trắng, làm một con người thật sự. Chúng tôi đặt tên cho những kẻ lạ mặt thù ghét và điều đó đã được thống nhất trong bộ lạc.”
“Nhưng tất cả những cụm từ của chúng tôi: mối tương quan về chủng tộc, sự ngăn cách về chủng tộc, bình đẳng chủng tộc, mô tả chủng tộc, đặc quyền da trắng, thậm chí là uy quyền tối cao của người da trắng được sử dụng để che đậy sự phân biệt chủng tộc như là một hành động bản năng. Chúng đánh bật trí não, khóa chặt khí quản, xé toạc những thớ cơ, bòn rút nội tạng, làm xương nứt gãy, nhổ sạch những chiếc răng. Bạn không bao giờ được vượt quá giới hạn này. Bạn phải luôn nhớ rằng xã hội, lịch sử, kinh tế, các đồ thị, biểu đồ, sự thu hồi đất đai bằng bạo lực, vượt xa cơ thể bạn”.
 Cách mà cuốn sách khiến bạn tốt đẹp hơn: Đối với một cậu bé da trắng xuất thân từ tầng lớp cao trung lưu ở ngoại ô, tôi luôn nghĩ mình đã nhận thức được vấn đề phân biệt chủng tộc từ rất sớm (ghi chú: không được đối xử tệ với người da đen hoặc da nâu; không dùng “n-word” (chẳng hạn từ “nigger” nêu trên)). Nhưng cuốn sách đã thay đổi suy nghĩ của tôi về nhiều thứ. Nó cũng cho tôi thấy mình đã có suy nghĩ ngây thơ đến thế nào về những gì mà một bộ phận không nhỏ người dân đất nước tôi đang phải chịu đựng.
Tác phẩm của Coates không chỉ hay mà còn đậm chất chính trị, tính cá thể, chất lịch sử và tính cấp bách. Nhưng không giống với những bài báo trên tờ The Atlantic, trong cuốn sách này ông không hề đưa ra một chính đề cụ thể. Không có một lý luận chính trị bao quát trong tác phẩm này. Thay vào đó, nó là một sự phản ánh rõ rệt và không khoan nhượng trên cả hai phương diện: cuộc sống của ông với tư cách là một người da đen và mối quan hệ giữa các chủng tộc tại Mĩ. Mặc dù không định hướng rõ ràng, điều này lại tạo ra cảm xúc mãnh liệt hơn. Cuốn sách cho bạn một cơ hội để sống với tâm trí và trải nghiệm của một người khác và rèn luyện để mở rộng lòng cảm thông dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi.
Một món quà tuyệt vời cho: ông bác có thái độ phân biệt chủng tộc nhưng chưa bao giờ thừa nhận điều đó; bất cứ ai nói về “vùng an toàn” và “cảnh báo kích hoạt” một cách thiếu thiện chí; những người bỏ phiếu cho Trump.

Fooled By Randomness

(Bị lừa bởi sự ngẫu nhiên)

Tác giả: Nassim Taleb
Vài điều về cuốn sách: Nassim Taleb là một nhà mua bán trái phiếu thành công ở Chicago. Ông ta đã kiếm được rất nhiều vào thập niên 80 nhờ vào một triết lý độc đáo về tài chính kinh doanh cho chính mình tự phát triển, đó là: đặt cược vào khả năng bất ngờ nhất có thể bởi vì toàn bộ thị trường hoạt động một cách ngẫu nhiên và những ai tin rằng mình có kỹ năng và năng lực dự đoán chỉ là đang tự lừa dối mình và cuối cùng sẽ bị thua lỗ.
Sau khi bong bóng dot-com (bong bóng trên thị trường cổ phiếu diễn ra vào khoảng năm 1995-2000 tại Mĩ khi cổ phiếu các công ty công nghệ cao, đặt biệt là công ty mạng được đầu cơ) bùng nổ và vụ việc ngày 11/9 diễn ra, Taled đã viết về triết lý kỳ lạ của mình và cuốn sách “Bị lừa bởi sự ngẫu nhiên” ra đời. Mặc dù cuốn sách này vốn được dùng cho thị trường tài chính, những khái niệm và nguyên lý của nó vẫn có thể được áp dụng rộng rãi trong cuộc sống. Taleb đã chỉ cho chúng ta thấy rằng có nhiều điều mà chúng ta tưởng đã biết về kỹ năng, về thành công, về số liệu lịch sử và thậm chí là về những điều tầm thường hơn như thói quen ăn uống, hoạt động thể thao hoặc thành công trong kinh doanh phần lớn đều là sản phẩm của cơ hội.
Trích dẫn đáng chú ý: “Thực tế phức tạp hơn trò Roulette của Nga nhiều (một trò chơi may rủi khi các người chơi bỏ 1 viên đạn vào một khẩu súng lục và lần lượt bóp cò). Trước hết, sẽ có nhiều viên đạn gây chết người hơn, tựa như khẩu súng có hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn buồng đạn thay vì sáu như bình thường. Sau khoảng vài tá lần thử, một người thường quên mất sự tồn tại của viên đạn và bắt đầu có cảm nhận sai lầm về sự an toàn của mình. Thứ hai, không giống như trò Roulette Nga với luật chơi rõ ràng, khi mà tất cả những ai biết cách nhân và chia cho sáu đều tính được mức độ rủi ro, trong thực tế một người không thể nào quan sát được buồng đạn. Một người vô tình có khả năng chơi trò Roulette của Nga sẽ cho rằng đó là một trò chơi ít mạo hiểm”.
“Thành công bình thường có thể được giải thích bởi năng lực và công sức bỏ ra. Thành công lớn có được là nhờ phương sai”. (một biến số thống kê đo lường mức độ chênh lệch giữa giá trị trung bình của tổng thể và từng phần tử)
“Xác suất không đơn giản chỉ là việc tính toán tỷ lệ xuất hiện của các mặt xúc xắc hoặc các biến phức tạp hơn. Đó là việc chấp nhận rằng kiến thức của chúng ta là không chắc chắn và sự phát triển các phương pháp để đối phó với sự thiếu hiểu biết của chính mình.”
Cách mà cuốn sách khiến bạn tốt đẹp hơn: Cuốn sách có thể làm bạn khiêm nhường hơn, bóc trần sự thật về việc có bao nhiêu điều mà bạn không biết. Nó sẽ chỉ cho bạn thấy những phẩm chất tốt đẹp nhất mà bạn tin rằng bản thân sở hữu thật ra chỉ là sự lừa dối hoặc tốt hơn một chút thì là kết quả của một chuỗi những may mắn. Đây là một điều tốt đấy, bởi vì bạn sẽ bớt đánh giá cao bản thân mình hơn và cảm thấy thoải mái với những thất bại trong đời.
Một món quà tuyệt vời cho: bất cứ ai vừa kiếm được nhiều tiền từ thị trường chứng khoán; bất cứ ai vừa thua lỗ trên thị trường chứng khoán; bất cứ ai coi trọng bản thân hay tiền bạc một cách hơi thái quá.

Ego is the Enemy

(Bản ngã chính là kẻ thù)

Tác giả: Ryan Holiday
Vài điều về cuốn sách: Tôi xem Ryan như một người anh em trong lĩnh vực triết học. Mặc dù chúng tôi có tính cách, văn phong, lối sống trái ngược nhau, tôi và anh ta thường đi đến cùng một quan điểm.
“Bản ngã chính là kẻ thù” là cuốn sách thứ hai của Ryan về thể loại triết lý tự phát triển bản thân. Mặc dù cuốn “Trở ngại chính là con đường” (Obstacle is the Way) thu hút được nhiều sự quan tâm của truyền thông, tôi vẫn nghĩ cuốn “Bản ngã chính là kẻ thù” hay hơn. Nó cá tính và tập trung hơn. Cuốn sách này đưa ra một thông điệp muôn thuở, một thông điệp mà bạn có thể tìm thấy trong một triệu cuốn sách thuộc thể loại tự phát triển bản thân liên quan đến bản ngã, nhưng nó cung cấp một cách thức chữa trị theo hướng triết học nghiêm túc dựa trên vô số ví dụ lịch sử.
Kết quả là cuốn sách về bản ngã này không quá kịch tính mà mang tính thực tế. Bản ngã của chúng ta vẫn luôn tồn tại. Chúng là một hiệu ứng cố hữu của hệ thần kinh. Câu hỏi đặt ra không thiên về việc thay đổi nó mà là vật lộn, chế ngự và cuối cùng là thuần hóa nó.
Trích dẫn đáng chú ý:
“Người có thể gây ấn tượng hoàn toàn khác với người thật sự ấn tượng.”
“Phần lớn những gì chúng ta thể hiện trên mạng xã hội đều mang tính tích cực. Kiểu như là “Để tôi kể cho bạn nghe mọi chuyện đang tốt đẹp thế nào nhé. Nhìn xem tôi tuyệt thế nào này.” chứ không phải sự thật như “Tôi đang sợ hãi. Tôi đang gồng mình. Tôi không biết””.
 “Người ta học được bài học từ sự thất bại chứ hiếm khi học được gì từ thành công.”
Cách mà cuốn sách khiến bạn tốt đẹp hơn: Đó là một lập luận theo hướng cổ điển, mang tính triết học lý trí chống lại sự tự hấp thụ và trao quyền cho bản thân. Cuốn sách đưa ra những gợi ý để làm chủ tâm trí và thiết lập những điều khoản đối với cái tôi của bạn mà không nuông chiều những giá trị giả tinh thần như những cuốn sách khác. Đó là một cuốn sách thật sự ý nghĩa về mối quan hệ giữa bản thân bạn và chính mình, cũng như làm thế nào để giữ được sự cân bằng trong tâm hồn.
Một món quà tuyệt vời cho: anh chàng hay cô nàng đáng yêu ở lớp văn học cổ điển, người thường hay trích dẫn lời của Aristotle ở mấy buổi nhậu nhưng lại có vẻ gợi cảm rất riêng với vẻ ngoài mọt sách; một người bạn vừa mới làm hỏng việc kinh doanh lần thứ tư liên tiếp và không thừa nhận rằng đó là lỗi của anh ta; những người cần lời khuyên thực tế nhưng đã phát chán với mấy ý tưởng tầm phào đặc trưng kiểu tự hoàn thiện bản thân; bất cứ ai say mê triết học Hy Lạp cổ đại.

Thinking, Fast and Slow

(Tư duy, Nhanh và Chậm)

Tác giả: Daniel Kahneman
Vài điều về cuốn sách: Daniel Kahneman từng giành giải Nobel về tâm lý học và có thể được xem là một trong những nhà tư tưởng, học giả có ảnh hưởng nhất trong vòng 50 năm qua. Kahneman và người cộng sự Amos Tversky là cha đẻ của kinh tế học hành vi – một nhánh của tâm lý học và kinh tế học nghiên cứu các quyết định kinh tế thiếu lý trí của mọi người, kể cả các quyết định đi ngược với lợi ích của bản thân mặc dù có sẵn thông tin cần thiết.
"Tư duy, nhanh và chậm” là một bản tóm tắt về lĩnh vực nghiên cứu này dành cho một người ngoài ngành. Trong cuốn sách này, Kahneman lập luận rằng trí não của chúng ta có hai dạng Tư duy. Thứ nhất là “Tư duy nhanh”, còn được nhiều người trong chúng ta xem là trực giác hoặc “cảm giác quyết tâm”. Tư duy nhanh cho phép con người đi đến những kết luận một cách chóng vánh bất chấp hoàn cảnh phức tạp hoặc có quá nhiều thông tin cần xem xét. Tư duy nhanh được coi là vô ý. Nó thoáng qua, có vẻ hiển nhiên và vô thức.
Ngược lại, Tư duy chậm là những gì bạn phải thực hiện ở trường lớp. Chậm chạp, có phương pháp, phân tích một cách lý trí. Kiểm tra các kết quả, đo lường bằng chứng và đưa ra đánh giá.
Vấn đề ở đây là Tư duy nhanh thường lấn át suy nghĩ chậm. Thực ra, lối Tư duy nhanh thường xuất hiện khi chúng ta chưa kịp nhận ra, và do đó những suy nghĩ chậm sau đó thường phát triển dựa trên một cơ sở thiếu vững chắc. Cuốn sách không chỉ chỉ ra những khiếm khuyết trong bộ não của bạn một cách tỉ mỉ mà còn giúp bạn có một cái nhìn sâu sắc hơn về việc làm thế nào để chú ý đến những khiếm khuyết này cũng như đối phó với chúng.
Trích dẫn đáng chú ý:
“Một cách đáng tin cậy để làm mọi người tin vào những điều giả dối đó là lặp đi lặp lại nhiều lần bởi vì sự quen thuộc dễ dàng bị nhầm lẫn với sự thật. Những chính trị gia và người làm tiếp thị nắm rất rõ điều này.”
“Sự tự tin của mỗi người về những điều họ tin tưởng chủ yếu phụ thuộc vào khả năng tường thuật lại những điều họ đã chứng kiến, ngay cả khi những gì họ nhìn thấy không nhiều lắm.”
“Chúng ta có thể làm ngơ trước những sự thật hiển nhiên, cũng như việc chúng ta lờ đi sự mù quáng của chính mình”.
Cách mà cuốn sách khiến bạn tốt đẹp hơn: Bạn sẽ nhận ra hàng tá cách mà trí não của mình phạm sai lầm. Bạn sẽ cảm thấy ít chắc chắn về bản thân hơn, ý thức hơn về sự thành kiến và lầm lẫn của trí óc mình, hoài nghi nhiều hơn về tất cả những điều nhảm nhí mà mình gặp phải.
Và do đó hi vọng là bạn sẽ quản lý tiền bạc tốt hơn, suy xét những giả định của mình kĩ hơn và có thể sẽ thôi không tỏ ra đạo đức giả suốt nữa.
Một món quà tuyệt vời cho: một thành viên gia đình đáng ghét, người mà sau khi uống quá nhiều rượu trứng liền nghĩ anh ta biết chính xác những gì chính phủ đang làm, khiến bạn tranh luận cũng không được mà lờ đi cũng không xong; một bà dì cứ khăng khăng về sự khôn ngoan dựa trên “trực giác” của mình.

The Subtle Art of not giving a fuck

(Nghệ thuật tinh tế của việc không thèm quan tâm)

Tác giả: Mark Manson (tác giả của bài viết này)
Vài điều về cuốn sách: Tôi biết cái này nghe có vẻ giống một trò lừa bịp và thông thường người ta sẽ không có ý định thêm cuốn sách do mình viết vào những danh sách đề cử này. Nhưng mà biết gì không, đúng rồi, đúng… tôi không thèm quan tâm đâu.
Vậy cuốn sách này nói về cái gì? Thật ra, cơ bản đó là một kẻ xấu xa có một cái blog đã viết một cuốn sách và bây giờ anh ta cứ thao thao bất tuyệt về nó.
À, anh ta còn thích tự trích dẫn lời của mình nữa…
Trích dẫn đáng chú ý: “Bản thân nỗi khao khát có được những trải nghiệm tích cực chính là một trải nghiệm tiêu cực. Và ngược đời là việc chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực lại chính là trải nghiệm tích cực.”
“Cuộc sống vẫn luôn là một chuỗi các vấn đề. Giải pháp cho vấn đề này lại tạo ra vấn đề khác.”
“Chúng ta phải chịu đựng đau khổ bởi một lý do đơn giản là khổ đau có lợi về mặt sinh học. Đó là tác nhân tự nhiên tạo cảm hứng cho sự thay đổi. Chúng ta không ngừng tiến hóa để sống với một mức độ bất mãn và bất an nhất định bởi vì chỉ những sinh vật cảm thấy bất mãn và bất an mới làm tất cả để đổi mới và tồn tại.”
Cách mà cuốn sách khiến bạn tốt đẹp hơn: Bạn có thể vẫn sẽ là một người tồi tệ sau khi đọc nó. Nhưng mà, tôi đã thử.
Một món quà tuyệt vời cho: tất cả mọi người, thật đấy, mua một bản cho tất cả mọi người trong gia đình, con chó, con vẹt đuôi dài của bạn, con hamster trong phòng học lớp ba của con bạn; thế chấp luôn ngôi nhà của bạn và mua 100 bản cho cả khu phố; gửi một bản lên mặt trăng cùng với con khỉ du hành vũ trụ. Tôi nghiêm túc mà; Này, sao các anh bỏ đi vậy? Chờ đã, không, quay lại đi; bạn để quên cuốn sách này; này… này…
Mark Manson
Dịch: Mai Trang Phạm 
Nguồn: https://markmanson.net/6-books

No comments:

Post a Comment