Tuesday, December 27, 2016

Mối Quan Hệ Có Ý Thức Hay Cuộc Gặp Gỡ Của Những Cái Tôi

Trong mối quan hệ với người khác, bạn muốn được nhìn nhận là người như thế nào? Hay bạn sẵn sàng là chính mình để đối phương đón nhận con người chân thật của bạn? Dẫu biết mối quan hệ thân thiết được xây dựng dựa trên những gì chân thật nhất, nhưng không ít người trong chúng ta vẫn chỉ muốn thể hiện những gì tốt đẹp và che giấu – thậm chí là ghét bỏ - những mặt chưa tốt của con người mình. Bên cạnh đó, ta còn có thói quen phán xét và so sánh giữa mình với người khác nữa. Và điều đó khó có thể vun đắp cho một mối quan hệ tích cực, hỗ trợ lẫn nhau.

Ta tưởng tượng ra bản ngã lý tưởng, tốt đẹp của mình và rồi tạo ra một cái mặt nạ (hay như các chuyên gia về tinh thần hay nói: 1 Tính cách – Persona) từ những đặc điểm mà ta thấy là đáng mến. Mặt nạ của người chồng, người vợ hoàn hảo, ông bố, bà mẹ của gia đình, người bạn hay người đồng nghiệp lý tưởng.


Được thúc đẩy bởi những niềm tin và ý kiến vững chắc của chính mình, ta xây dựng hình ảnh của bản thân và thể hiện trước mọi người xung quanh: “Tôi là một người đàn ông hoặc người phụ nữ ngoan đạo của gia đình, Chủ nhật nào tôi cũng đi nhà thờ.”, “Tôi là một người gương mẫu ở nơi làm việc, sếp đối xử đặc biệt với tôi”, “Tôi khá thông minh”, “Tôi rất am hiểu vì tôi biết hôm nay có chuyện gì xảy ra trong giới chính trị.”

Ta chỉ trích những đặc điểm trái ngược với hình ảnh (lý tưởng) của bản thân: “Mình không thể cảm nhận hoặc suy nghĩ theo cách này, vì như vậy là không đúng – nó đối lập với những niềm tin của mình”, “Mình không thể làm điều này, vì nó không tương ứng với hình ảnh mình đã tạo dựng về bản thân” – và ta hoàn toàn che giấu tất cả những đặc điểm mà ta xem là ghê tởm và bất đắc dĩ, để nó biến mất trong “tính cách cái bóng” của mình.

Vì vậy, nếu tôi ghét một ai đó, có lẽ tôi chỉ đang làm như vậy vì họ không đáp lại tình yêu của tôi. Tình yêu không được đáp trả có thể dễ dàng biến thành sự căm ghét. Phản ứng cực đoan của tôi cho thấy các đặc điểm mà tôi vô cùng ghét cũng hiện diện trong tôi, nhưng tôi đã đẩy nó vào trong tính cách cái bóng của mình, tôi khẳng định những đặc điểm đó là những thứ không mong muốn.

Vì lẽ vì đó mà tôi trở nên bối rối: Tôi không còn sống bằng con người chân thật của mình, bên trong tôi là giấc mơ về “bản ngã” lý tưởng mà tôi vốn khao khát và đồng thời là phần đối nghịch với nó: những cảm xúc, suy nghĩ và hành động đầy tiêu cực của tôi – cái bóng của chính tôi.

Khi ta gặp ai đó, ta điều chỉnh thái độ dựa theo những gì mình thấy thông qua lăng kính thành kiến của bản thân. “Mình biết gã này rồi – mình biết hắn ta như thế này thế kia. Bộp chộp, không đáng tin, xảo trá, nguy hiểm” – ta dán nhãn anh ta.

Khi dán nhãn những mối quan hệ của ta với người khác, ta nhìn thấy nó bị biến dạng thông qua lăng kính của những nhãn mác do tâm trí ta tạo ra.

“Anh ta không giống mình. Anh ta tin vào những thứ không quan trọng với mình. Anh ta thật lạ lùng, khác biệt với mình” – ta tách biệt bản thân với những người có niềm tin khác với ta.

Đôi khi ta chỉ mong muốn gặp gỡ ai đó để có thể cân đo đong đếm, so sánh, dán nhãn và phán xét họ. Bởi vì “bản ngã” nhỏ bé trong ta, cái tôi thích so sánh mọi thứ và sự so sánh khiến nó dễ chịu, tự cho mình có địa vị cao hơn, xinh đẹp hơn, giỏi hơn, thông minh hơn, thành công hơn những con người khác. Do đó khi ta tiếp xúc với một người, sự tương tác này có thể được chia thành 3 loại:

Tôi > Bạn và Tôi < Bạn

Ta đánh giá người khác và so sánh họ với ta. Ta có cảm giác “hơn” họ khi tìm thấy những đặc điểm chưa tốt ở họ. Nhưng điều này có thể xảy ra theo hướng ngược lại, khi ta tôn trọng đối phương vì họ giỏi hơn, đẹp hơn, thành công hơn – nhưng trong sâu thẳm thì ta ganh tỵ với họ. Có thể ta còn có phức cảm tự ti nữa – ta xem mình không đáng được coi trọng như họ.

Dù cho cái tôi có công thức nào đi chăng nữa, khi nó được nuôi dưỡng bởi thói quen phán xét, thì vấn đề là nó không thể xem người khác như một người bạn đồng hành bình đẳng cùng cấp bậc, mà chỉ trong mối quan hệ hạ cấp hoặc cao cấp hơn mà thôi.

Ta kết nối với nhau qua những khái niệm do tâm trí tạo ra về nhau.

Không phải một người gặp một người khác, không phải một tâm hồn gặp một tâm hồn khác, mà là sự va chạm giữa những khái niệm và sự tưởng tượng ta tạo ra về nhau.

Một số người khen ngợi ta – nhưng ta cứ cư xử như mình không thoải mái, mặc dù ta lại thầm cảm thấy được tâng bốc.

Ta thích những người nói lời có cánh về ta.

Một số người làm ta tổn thương, họ đưa những đặc điểm đáng xấu hổ của ta ra ánh sáng, những tính cách mà ta đánh giá là không mong muốn, và vì thế ta duy trì thái độ thù địch với những người này. Chất lượng những cuộc gặp gỡ của ta luôn được xác định bằng nhãn mác và thành kiến về đối phương.

Tôi = Bạn

Món quà tuyệt vời nhất mà bạn có thể trao đi trong một cuộc gặp gỡ là sự có mặt toàn tâm toàn ý, không xao nhãng bên người bạn của mình.

Nếu bạn lắng nghe bạn mình với sự chấp nhận và quan tâm, những chiều kích mới sẽ mở ra cho bạn: bạn sẽ nhìn thấy con người tử tế và xinh đẹp nơi bạn của mình.

Bởi vì tất cả mọi người đều xinh đẹp theo cách của họ: bông hoa có một không hai và độc nhất của cuộc sống. Nếu bạn biết sẵn sàng tiếp thu, nếu chịu mở rộng tâm hồn, cuộc sống của bạn sẽ trở nên thật nhiều màu sắc và đem đến cảm giác toại nguyện.

Bạn hình thành trong chính mình những phẩm chất như lòng thương cảm, đồng cảm và yêu thương. Sau một thời gian, có lẽ bạn sẽ cảm thấy muốn ôm một người lạ mặt bên cạnh và nói rằng: “Tôi yêu bạn, bạn của tôi! Tôi yêu bạn, vì bạn cũng như tôi.”

Hãy biến điều đó thành thói quen, bày tỏ sự tôn trọng với những người khác bằng cách lắng nghe họ với sự chú ý và tỉnh táo! Khi bạn gặp gỡ ai đó và dành thời gian ở bên họ, hãy có mặt trọn vẹn và thành tâm chú ý đến họ trong khoảng thời gian đó.

Hãy mở lòng và hoàn toàn chấp nhận người mà bạn gặp. Khi họ trò chuyện, đừng suy nghĩ và cố gắng trau chuốt câu trả lời trong đầu. Và rồi sau đó, các mối quan hệ của bạn sẽ không phải là cái tôi chạm trán cái tôi, mà là hai tâm hồn con người đối diện với nhau.

Bạn có thể bắt đầu luyện tập ngay bây giờ.

Hãy nhìn sâu vào mắt người bạn mình, thành thật mở lòng với họ: “Xin chào! Tôi ở đây với bạn và tôi rất vui lòng lắng nghe bạn nói!”

Và rồi tôn trọng họ với sự chú tâm.

No comments:

Post a Comment